Đặt tên cho con không chỉ để gọi. Nhiều người ngày nay còn xem cái tên gắn liền với vận mệnh của con nên chọn lựa rất kỹ. Nhưng có nhiều người thích đặt tên cho con kiểu đặc biệt không giống ai. Tuy nhiên cha mẹ phải nhớ đặt tên cho con là quyền của cha mẹ, quyền của trẻ được có tên nhưng cũng cần đảm bảo tránh vi phạm quy định chung của pháp luật.

Pháp luật có nhắc tới việc đặt tên cho trẻ như sau:

– Theo Khoản 1 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Trẻ có quyền mang theo họ mẹ hoặc họ cha.

Trong tập tục Việt Nam thì số đông người Việt thường khai sinh con theo họ cha, nhưng đó là do tập quán không phải do quy định pháp luật. Thế nên cha mẹ thống nhất khai sinh cho con theo họ của ai cũng được, tùy theo thỏa thuận của gia đình nhưng nên tránh việc quá khác lẽ thông thường sẽ khiến trẻ sau này gặp nhiều dị nghị.

Pháp luật quy định một số quy tắc khi đặt tên khai sinh

Pháp luật quy định một số quy tắc khi đặt tên khai sinh

– Khoản 3 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

Còn Khoản 1 Điều 6 Mục 1 Chương II Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 cũng quy định: Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Như vậy chiếu theo quy định trên thì những dạng tên sau sẽ không được chấp nhận khi đi khai sinh:

– Tên bằng tiếng nước ngoài mà không phải tiếng dân tộc bởi luật quy định tên công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam

– Tên bằng ký tự mà không phải chữ, hoặc tên bằng số như 1, 2, @,

– Tên ảnh hưởng xâm phạm tới lợi ích người khác.

– Tên không phù hợp với bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống

–  Tên quá dài. Mặc dù chưa có quy định cụ thể tên được phép đặt bao nhiêu chữ bao nhiêu ký tự. Nhưng cha mẹ nên chú ý tên thường gồm họ, tên đệm, tên chính. Thông thường là 3 -4 chữ. Việc đặt quá dài sẽ gây khó khăn khi thể hiện trên các giấy tờ. Do đó cha mẹ cần lưu ý.

Một số tên bị cấm đặt trên thế giới

Một số nước cũng có quy định cấm đặt một số tên để tránh cho trẻ em phải mang những cái tên kỳ lạ:

-Đan Mạch cấm tên: Jakobp, Anus, Monkey, Pluto…

– Pháp cấm tên: Mini Coppre, Strawberry, Deamon…

– Đức cấm tên: Hitler, Osama Bin Laden, Matti…

– Malaysia cấm tên: Woti, Chow Tow, Sor Chai…

– Mexico cấm tên: Facebook, Batman, Hermione, Rambo…

– New Zealand cấm tên: Sex Fruit, Fat Boy, Hula From Hawaii, Cinderella Beauty Blossom…

– Bồ Đào Nha cấm:  Rihanna, Jimmy, Viking, Nirvana…

– Thụy Điển:Cha mẹ phải đăng ký tên dự kiến của con mình trong vòng 3 tháng sau khi sinh tới Cơ quan Thuế Thụy Điển. Nếu không đăng ký tên, họ sẽ phải đối diện với mức phạt theo quy định. Một số cái tên bị cấm như Elvis, Superman, Ikea…