Không rõ ở các nơi thành thị có còn cảnh tượng những người mẹ già yếu bị con cái ngược đãi bỏ rơi? Chứ ở những vùng nông thôn miền núi giáp quê tôi, vẫn còn không ít cảnh ngộ người già bị con cái rũ bỏ. Vẫn còn cảnh anh trên em dưới đùn đẩy nhau, phân chia thời hạn nuôi cha mẹ già.
Có gia đình chỉ có một mẹ con mà tuổi già cũng không được an nhàn, thanh thản, con cái không làm tròn đạo hiếu. Có gia đình năm, bẩy người con trai vẫn chưa nuôi nổi một mẹ già…Họ quên mất công ơn sinh thành, giáo dưỡng của mẹ cha cả đời dành cho họ.
Khi đồng tiền to hơn chữ hiếu
“Bà có im đi không, rên rỉ nỗi gì! Không ở được đi đâu thì đi. Nay ốm mai đau, không lên chùa mà cúng bái cho khỏi ốm, bao nhiêu tiền thuốc men, ăn uống trút vào bà có ai đem đến cho không? Thằng này không hầu hạ được, sống thế này thì sống làm gì… ”. Những lời cay độc, bất lương của anh S., con trai cụ L. cứ liên mồm cất lên sang sảng như thế!
Cụ L. đã ngoài 70 tuổi lại ốm yếu bệnh tật nên 2 năm nay cụ không giúp được vợ chồng anh S. Phải nuôi nấng, bưng cơm cắt thuốc cho cụ L. vừa vất vả, lại tốn kém tiền của nên anh S không ngớt lời chửi rủa mẹ, coi cụ L. như cái nợ đè nặng lên vai vợ chồng anh. Cụ L. nằm đấy như cái xác không hồn vì cơn đau bệnh lẫn nỗi đau tinh thần.
Càng ngày vợ chồng anh S. càng bỏ mặc mẹ, thuốc men, ăn uống thất thường. Hầu như anh S. không mua thuốc cho cụ L. vì tiếc tiền, xót của, bữa ăn chỉ có bát cháo muối loãng. Cụ L. đã lâm bệnh nặng. Sợ mẹ nằm liệt lâu mới qua đời, phải hầu hạ vất vả, vợ chống anh S. đã đang tâm làm cái việc thất đức, thất hiếu cho mẹ uống thuốc ngủ. Cụ L. đã qua đời. Khi tiếng kèn, tiếng trống than khóc cũng là lúc sự thật về cái chết “chóng vánh” của cụ L. được tỏ rõ. Vợ chồng anh S. sống trong sự nhục nhã ê chề, làm bia cho người đời phỉ báng.
Con đông mẹ vẫn không nhà ở
“Một mẹ nuôi được 10 con, nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ”. Câu nói ấy là có thực tế, chứ hoàn toàn không đa ngôn đa quá. Những cảnh ngộ đáng buồn này vẫn còn khôg ít ở nhiều làng quê.
Đó là câu chuyện rất, rất buồn của một cụ bà đã ngoài 80 tuổi – cụ Thi. ở cái thôn Núi Chùa này ai cũng lên tiếng bất bình về cách cư xử tệ bạc bất nhân bất nghĩa của năm người con trai cụ Thi.
Từ năm 1993, các con cái cụ Thi đã yên bề gia thất. Cụ Thi ở cùng vợ chồng anh Hào con trai út của cụ trong căn nhà tổ tiên. Năm 1996, sau khi của cải, hoa màu của cụ, vợ chồng anh Hào tiêu pha, bán hết thì mâu thuẫn mẹ con bắt đầu nảy sinh. Vợ chồng anh Hào thấy mẹ không giúp được việc gì nữa, lại hết vốn liếng dưỡng già, sợ mai kia mẹ ngã bệnh, ốm đau thì hậu hoạ đổ lên đầu vợ chồng anh nên đã thoái thác trách nhiệm nuôi mẹ. Không kém chồng, vợ anh Hào cũng ngày ngày rủa xả mẹ chồng, nào là “đồ ăn bám”, “nuôi báo cô chứ được lợi lộc gì”, con trai cả, con hai… của bà một lũ giàu có không về mà rước bà đi, đừng làm tội con này, thằng này”…
Cụ Thi đành cắn răng, nín nặng mà trong lòng trăm bề cay đắng tủi cực, vì nói ra sợ dân làng cười chê. Mấy năm ròng cụ sống trong sự hành hạ, đay nghiến, bạc đãi của vợ chồng con trai út. Cuối năm 2000, những người con trai cụ Thi họp gia đình bàn bạc, phân chia việc nuôi mẹ theo định kỳ. Họ bàn nhau mỗi người nuôi mẹ 6 tháng, cứ thế luân phiên cho đến khi cụ qua đời. Tuổi già mà bất hạnh nên cụ Thi già yếu đi nhanh chóng.
Song cũng chẳng được bao lâu, những người con của Thi lại đùn đẩy việc nuôi mẹ cho anh Hào – con út, vì vợ chồng anh Hào được thừa kế, hưởng thụ cả gia tài tổ tiên, cha mẹ để lại, nên phải có trách nhiệm nuôi mẹ. Đùn đi đẩy lại mãi không xong, họ bàn nhau làm cho cụ Thi cái lều lợp lá ở góc vườn nhà con út, rồi mỗi tháng mỗi người đóng góp chút tiền nuôi mẹ. Nhưng cái khoản “đóng góp nuôi mẹ” cũng chỉ là vài cân gạo, vài nghìn bạc đồng lẻ mỗi tháng. Lúc đau yếu, thiếu ăn cụ vẫn phải cậy nhờ vào sự trông nom của con gái, con rể.
Kể xong câu chuyện về chuỗi ngày cuối đời mà mình đang phải sống, cụ Thi nghẹn lời: “Trên đời này còn ai gặp cảnh ngộ như tôi thì đúng là vô phúc. Nhiều lúc bĩ cực tôi chỉ muốn uống một liều thuốc độc chết cho mát mặt, yên phận, nhưng không thể làm vì tiếng để đời để kiếp”.
Đã không ít lần các tổ chức đoàn thể hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh thôn xã đã phản ánh khuyên giải và cảnh cáo sự coi rẻ luân thường đạo lý, bất hiếu với cha mẹ của con trai – con dâu cụ Thi. Nhưng không kết quả gì. Thế là chuyện gia đình họ, làng xã cũng hết đường can giải.
“Công cha như núi Thái SơnNghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Có lẽ không ai được sinh ra trên đời lại không biết đến câu ca dao chở nặng ân tình mẹ cha này. Có biết bao người con đã không phụ lòng cha, công lao của mẹ bằng sự đền đáp phụng dưỡng, yêu thương của mình. Ấy vậy mà vẫn còn những người con không hiểu được cái đạo làm con đã nhẫn tâm ruồng bỏ cha mẹ lúc tuổi già.
Không biết những con người đó có nghĩ tới cảnh họ cũng phải già yếu, ốm đau. Và họ có mong muốn con cái của họ đối xử với họ như họ đã đối xử với cha mẹ họ không? Tục ngữ có câu “sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy”, chẳng lẽ họ không hiểu ra điều đó hay sao?