Tại thời điểm 13 giờ 45 phút ngày 8-1, vàng SJC của Bảo Tín Minh Châu đang được giao dịch ở mức 84,2 – 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Trong khi đó, vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng bạc, đá quý Phú Quý và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cùng tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày hôm qua, giao dịch ở mức 84 – 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Vàng nhẫn thương hiệu PNJ đã có mức tăng 100.000 đồng/lượng. Theo đó, vàng nhẫn PNJ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được mua vào ở mức 84,5 đồng/lượng; bán ra ở mức 85,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng SJC trong một tháng qua (từ ngày 8-12-2024 đến 8-1-2025) đã tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 1,3 triệu đồng ở chiều bán ra.
Trên thị trường thế giới, giá vàng đã thu hẹp mức tăng do áp lực từ việc đồng USD mạnh lên, số lượng việc làm tăng, báo hiệu khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đang giảm dần.
Trong phiên giao dịch ngày 8-1, vàng giao ngay giảm xuống còn 2.647 USD/ounce. Giá vàng thu hẹp phạm vi tăng sau khi tăng đến 1,5% ở phiên trước đó. Ông Peter Grant, Phó chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals, cho biết: “Số lượng việc làm cao hơn dự kiến cho thấy nền kinh tế đang mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn mối lo về lạm phát khiến Fed có thể phải giữ nguyên lãi suất cho đến hết tháng 3”.
Theo News.az, giá vàng đã tăng khoảng 30% vào năm 2024 và xu hướng tăng sẽ tiếp tục vào năm 2025 do kim loại quý này sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư coi là “nơi trú ẩn an toàn” trong thời kỳ bất ổn kinh tế và chính trị.
Elman Mekhtiyev, người sáng lập dịch vụ Kredcheck, lưu ý rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng dự trữ vàng trước những rủi ro ngày càng tăng đối với đất nước của họ, đặc biệt là có thể gây mất ổn định dự trữ ngoại hối do sự phát triển của tiền điện tử.
Trong khi đó, Dmitry Puchkarev, chuyên gia về thị trường chứng khoán tại BCS World of Investments, dự đoán giá vàng sẽ tăng vào năm 2025 lên mức 2.600 – 2.900 USD/ounce.