×

Lấy vợ giáo viên không “vớ bở” như mọi người vẫn nghĩ đâu: Có người thi tuyển công chức mãi không được phải đi dạy hợp đồng. Lương đi dạy chẳng được bao mà phải đi làm thêm việc khác

Có người thi tuyển công chức mãi không được phải đi dạy hợp đồng. Lương đi dạy chẳng được bao mà phải đi làm thêm việc khác.

Chào bạn Hải Dần

Cha mẹ nào cũng lo cho con, anh chị thì lo cho em. Người thân có hạnh phúc thì gia đình cũng có thêm niềm vui. Tôi thấy băn khoăn của bạn có rất nhiều người trùng quan điểm song người ta thường đem chủ đề này ra nói vui hoặc trong lúc hàn huyên chứ mấy khi viết báo như bạn. Dần có thể là một ông anh trai rất tâm lý trong thời hiện đại này.

Lúc học hết phổ thông, bố mẹ cũng hướng tôi thi vào sư phạm. Những nhà có truyền thống nghề giáo thường hướng con mình nối nghiệp. Nhưng nhà tôi thì không, không ai ở trong ngành giáo dục cả. Sở dĩ bố mẹ thích tôi làm cô giáo vì các cụ có lý của riêng mình.
Chẳng gì thì nghề giáo cũng là nghề được cả xã hội gọi là thầy (thầy thuốc và thầy giáo) nên rất cao quý, được vị nể. Hơn nữa, con gái làm giáo viên dễ lấy chồng, một năm lại có mấy tháng nghỉ hè, đi dạy nửa buổi có thời gian chăm sóc chồng con, dạy dỗ trẻ nhỏ. Nhà có người làm giáo viên thì các cháu con anh, con chị, con em đều có thể được kèm cặp… Tóm lại, lời dạy bảo của các cụ là kín kẽ, sáng suốt và không thể không nghe theo.

Tôi làm hồ sơ thi vào cao đẳng sư phạm nhưng chẳng may không đỗ, về sau phải theo ngành khác. Cũng tiếc lắm nhưng mỗi lần nghe cô bạn tôi (năm đó trúng tuyển vào hệ cấp I) than vãn, tôi chẳng biết mình không làm cô giáo có đúng đắn không?

Vì anh Dần có nhắc đến bố muốn em trai anh lấy vợ giáo viên nên tôi xin kể lại những gì cô bạn tôi nói.

Theo nó, học sư phạm ra trường xin việc khó lắm. Có người thi tuyển công chức mãi không được phải đi dạy hợp đồng. Nếu chỉ dạy một môn mà không phải mấy môn chính thì bấp bênh lắm. Lương đi dạy chẳng được bao mà phải đi làm thêm việc khác.

Làm giáo viên cấp I như nó thì bận tối mắt mũi. Ngày nào cũng thông một lèo từ sáng đến chiều. Suốt ngày quanh quẩn bên các cháu kể cả buổi trưa (trường nó là trường có uy tín nên các giáo viên cũng phải cố gắng nhiều hơn). Tối về thì một tuần 4 buổi phụ đạo cho con em nhiều phụ huynh gửi đến. Kết quả chẳng có mấy thời gian dành cho gia đình. May mà nó có mẹ chồng và chồng tâm lý nên tạm thời không điều tiếng. Nếu mẹ chồng ghê gớm, chắc khó lòng kham nổi sự nghiệp.

Trẻ con giờ hiếu động lắm, chúng nghịch ngợm nhiều hơn, cô giáo cũng vất vả hơn trong việc quản lý trật tự. Nếu không khéo léo bảo ban, ngon ngọt mà kỷ luật nặng một chút là chúng về mách bố mẹ ngay. Hôm sau bố mẹ chúng lên phàn nàn với hiệu trưởng là mình bị nhắc nhởphê bình. Giờ, sự vị nể của các bậc phụ huynh dành cho giáo viên cũng không còn như xưa nữa rồi. Đó là cấp I, cấp II, III học sinh còn bướng bỉnh hơn, cô giáo stress là chuyện bình thường.

Vậy nên những gì quan niệm về nghề giáo viên của các cụ từ xa xưa, nay chỉ đúng một phần. Thời nay đã có nhiều thay đổi, xã hội càng phát triển, con người cũng bận rộn hơn, nghề giáo viên ngày nay cũng không còn có nhiều thời gian rảnh như trước để chăm lo gia đình. Nếu như bố mẹ Dần không nhận ra điều đó, cứ tư tưởng khuyên con trai nên chọn vợ giáo viên để được nhờ nhiều hơn ở nàng dâu mới thì xem ra các cụ có thể nhận thất vọng.

Lấy vợ là quyền của cậu út và còn tùy thuộc duyên số nhưng hi vọng Dần và các anh chị em khác có thể tư vấn cho cậu ấy ít nhiều những kinh nghiệm từ thực tại, tránh để cậu ấy thiệt thòi khi thiếu đi những lời khuyên của người đi trước.

Related Posts

Our Privacy policy

https://tinhay8.com - © 2025 News