Từ sự việc đau lòng 7 công nhân tử nạn trong máy nghiền của nhà máy xi măng, chuyên gia nhận định, vụ tai nạn thương tâm xảy ra do bộ phận vận hành không cắt điện động cơ.
Liên quan vụ 7 công nhân tử vong trong vụ tai nạn lao động tại nhà máy xi măng ở Yên Bái, Công an tỉnh này đã khởi tố, bắt tạm giam một nhân viên tại đây.
Theo các cơ quan liên quan, nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định là do sai sót trong thực hiện quy trình vận hành sửa chữa, dẫn đến vụ tai nạn lao động thảm khốc.
Quy trình bảo trì máy móc ra sao?
Từ sự cố xảy ra trong tình huống nhóm công nhân đang sửa chữa bên trong máy nghiền, một chuyên gia về máy của nhà máy nhiệt điện ở Ninh Bình nhận định, nguyên nhân xuất phát từ việc bộ phận vận hành đã không cắt điện động cơ.
“Tai nạn thương tâm xảy ra xuất phát từ việc nhà máy không tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn lao động. Khi bảo trì, sửa chữa hoặc bảo dưỡng máy móc lớn, có nguồn năng lượng nguy hiểm như vậy phải cắt toàn bộ hệ thống điện mới đúng”, vị chuyên gia nói.
Điều đáng nói, bộ phận kỹ thuật, vận hành và những người trực tiếp tham gia hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng thiếu sự phối hợp dẫn đến sự việc đau lòng.
Theo chuyên gia an toàn vệ sinh lao động, những người trực tiếp tham gia sửa chữa, bảo dưỡng phải hiểu rõ và áp dụng đúng quy trình Lockout/Tagout (LOTO) – một quy trình an toàn được sử dụng để kiểm soát năng lượng nguy hiểm trong các thiết bị và máy móc trước khi bảo trì, sửa chữa hoặc bảo dưỡng.
Chuyên gia về máy trong nhà máy nhiệt điện ở Ninh Bình giải thích, hiểu một cách đơn giản, LOTO là một quy trình theo trình tự gồm tắt, khóa nguồn điện – gắn biển báo – tháo khóa và gỡ biển báo.
Trong đó, thao tác khóa nguồn điện là tiên quyết và rất quan trọng. Nhân viên kỹ thuật thường dùng các van, chốt để cô lập nguồn năng lượng đưa tới máy.
Trong quá trình này không thể thiếu biển cảnh báo. Biển cảnh báo này giúp ngăn chặn việc khởi động hoặc kích hoạt thiết bị một cách vô ý.
Ngoài ra, khi thợ đang bảo dưỡng máy móc, quản lý vận hành phải cắt cử một người giám sát, túc trực tại nguồn cấp.
Sau khi hoàn thành công tác bảo trì, sửa chữa hoặc bảo dưỡng, người giữ chìa khóa tủ điện/phòng điện cần xác nhận lại mới mở khóa, tháo biển cảnh báo và cho phép đóng nguồn điện.
“Việc tuân thủ quy trình LOTO sẽ giúp loại bỏ nguy cơ bị thương tích do khởi động hoặc kích hoạt bất ngờ những máy móc thiết bị trong quá trình bảo trì, sửa chữa hoặc bảo dưỡng”, vị chuyên gia phân tích.
Khóa an toàn cho người lao động
Khóa an toàn để khóa máy móc, thiết bị khi sửa chữa, bảo dưỡng (Ảnh: NVCC).
6 năm làm công nhân vận hành máy ở Nhật, anh Ngô Dư Sang (29 tuổi, quê Tây Ninh) luôn được quán triệt tuân thủ tuyệt đối luật pháp và quy định an toàn của người Nhật.
Anh Sang cho biết, người Nhật luôn đề cao an toàn cho bản thân và đồng nghiệp trong quá trình lao động. Do đó, chủ doanh nghiệp và người lao động bản địa đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn và luôn cảnh giác với các mối nguy hiểm tiềm ẩn.
“Công ty tôi thường xuyên tổ chức đào tạo về an toàn lao động để nhân viên nắm rõ các quy định và kỹ năng cần thiết đảm bảo an toàn. Mỗi ngày tôi đến chỗ làm, công ty đều phát cho một chiếc khóa gọi là khóa máy móc thiết bị để sử dụng khi sửa chữa, bảo dưỡng máy.
Vật dụng này giúp ngăn chặn nguy cơ vô ý sử dụng máy móc khi có người đang bảo trì hoặc sửa chữa”, Sang chia sẻ.
Giảm thiểu sự cố đau lòng
Ông Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TPHCM cho biết, hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như Luật An toàn vệ sinh lao động, các nghị định, thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam cơ bản đầy đủ, đồng bộ.
Để người lao động được làm việc trong một môi trường an toàn, 3 chủ thể gồm cơ quan quản lý, người sử dụng lao động và người lao động phải chung tay xây dựng quy trình an toàn.
Trong đó, ý thức tuân thủ, việc tự giác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động là quan trọng nhất.
Theo ông Trọng, cả doanh nghiệp và người lao động phải hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa việc xây dựng văn hóa an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp.
Chuyên gia về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động nhìn nhận, hiện nay, nhiều doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động thực sự chưa quan tâm, chú trọng trong công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.
“Việc huấn luyện còn hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động, kỹ năng xử lý, quy trình, biện pháp làm việc an toàn cụ thể”, ông Trọng nói.
Để giảm thiểu những sự cố đau lòng, thương tâm về tai nạn lao động, chuyên gia này cho biết, phải thực hiện nghiêm công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, cần chú trọng việc huấn luyện cho đối tượng quản lý, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở về việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Theo ông Trọng, quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy phải nêu rõ hạng mục công việc, từng bước thực hiện, việc cách ly, cô lập khu vực thực hiện. Thêm nữa, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của người thực hiện, bố trí người kiểm tra, giám sát trong quá trình này cần hết sức quan tâm.
Khi tham gia sửa chữa, bảo dưỡng máy, các đơn vị cần bố trí hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố nguy hiểm, độc hại niêm yết và đặt ngay tại máy.
“Ngoài ra cần tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục, đặc biệt là công tác quản lý, huấn luyện, đào tạo về các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động đã được quy định”, ông Trọng nói thêm.