Chính sách tiền lương, trợ cấp xã hội đối với một số nhóm đối tượng chưa được Quốc hội phê duyệt thuộc phạm vi dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025…
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 13/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Kết quả biểu quyết cho thấy, đa số đại biểu tham gia tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị số thu ngân sách năm 2025 hơn 1,96 triệu tỷ đồng, tổng chi hơn 2,5 triệu tỷ. Trong đó, mức bội chi khoảng 3,8% GDP, tương đương 471.500 tỷ đồng. Năm sau, ngân sách được phép vay 835.965 tỷ đồng.
Quốc hội cũng quyết nghị sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng (áp dụng từ ngày 1/7/2024).
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội quyết định chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Tuy nhiên sẽ cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội.
Cũng từ 1/7/2024, cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Bên cạnh đó, đối với các khoản thu ngân sách, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; mở rộng cơ sở thu; chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
Nghị quyết giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; khẩn trương có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, cần có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện. Xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp. Nghiên cứu, có chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.