Ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão sẽ khiến TPHCM và một số tỉnh, thành Nam bộ khả năng có mưa rào và dông. Riêng miền Đông Nam bộ có mưa vừa, mưa to ở vài nơi trong chiều, tối 24/12 và ngày 25/12.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, hồi 1h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc, 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 – 74km/h), giật cấp 10. Bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ từ 5 – 10km/h.
Dự báo đến 1h ngày 25/12, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 5 – 10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Tây Nam khu vực giữa Biển Đông.
Đến 1h ngày 26/12, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 5 – 10km và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu.
Như vậy, theo dự báo từ cơ quan khí tượng, bão số 10 sẽ liên tục suy yếu và trở thành vùng áp thấp trên biển, ít khả năng đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão sẽ khiến TPHCM và một số tỉnh, thành Nam bộ khả năng có mưa rào và dông. Riêng miền Đông Nam bộ có mưa vừa, mưa to ở vài nơi trong chiều, tối 24/12 và ngày 25/12.
Theo thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, để ứng phó với cơn bão số 10, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM cũng đã có công điện gửi các đơn vị, sở, ngành trên địa bàn TPHCM chủ động lên phương án triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 10.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động chuẩn bị, sẵn sàng triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người dân và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển.
Các lực lượng vũ trang và TP Thủ Đức, các quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, di dời, sơ tán dân theo phương án của địa phương; UBND huyện Cần Giờ, TPHCM chuẩn bị sẵn phương án di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn theo phương án của địa phương khi có chỉ đạo của UBND TPHCM.
Sở Xây dựng TPHCM, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh đô thị để chặt tỉa, đốn hạ nhánh cây, thân cây không đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa, bão. Tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục xử lý các trường hợp cây xanh ngã, đổ để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Đặc biệt xử lý các cây ngã đổ lên nhà ở, công trình kiến trúc khác.