Ngoài việc chọn ngày đẹp để tỉa chân hương, gia chủ cũng nên chú ý đến khung giờ thực hiện.
Vào mỗi dịp cuối năm, rút tỉa chân hương là một trong những việc mà gia đình nào cũng phải làm. Sau một năm, bát hương đầy sẽ tạo cảm giác bừa bộn, rườm rà, không phù hợp với yêu cầu gọn gàng, sạch sẽ ở không gian thờ cúng. Ngoài ra, chân hương quá nhiều cũng làm việc thắp hương trở nên khó khăn hơn. Theo quan niệm phong thủy, quá nhiều chân hương trong bát hương cũng làm giảm sự hanh thông, giảm vận may của gia đình.
Vì vậy, các gia đình sẽ thực hiện việc tỉa chân hương vào mỗi dịp năm hết Tết đến.
2 giờ đẹp tỉa chân hương, 2 giờ xấu nhất định phải tránh
Nhiều gia định chọn thời điểm tỉa chân hương là ngay sau khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo. Gia chủ sẽ thắp hương xin phép thực hiện việc bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương. Việc này có thể thực hiện trong khoảng thời gian từ 23 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp (với năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (với năm thiếu).
Trong năm 2025, có một số ngày đẹp để gia chủ thực hiện việc rút tỉa chân hương như ngày 18, 19, 20, 22, 25 và 26.
Trong những ngày này, gia chủ nên tiến hành bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương trong khoảng từ 8h đến 11h55 hoặc từ 13h đến 17h55. Bên cạnh đó, cần tránh thực hiện nghi thức rút tỉa chân hương vào lúc 12h hoặc 18h.
Nên rút tỉa chân hương trong khoảng từ 8h đến 11h55 hoặc từ 13h đến 17h55.
Trình tự bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương
Gia chủ cần chuẩn bị một số đồ dùng cho việc bao sái bàn thờ như nước sạch hoặc nước ngũ vị, khăn sạch, chổi nhỏ chuyên dùng để dọn dẹp bàn thờ, hương, đèn, trái cây…
Trước khi bao sái bàn thờ, gia chủ cần đặt lễ vật và thắp hương để xin phép thần linh, tổ tiên để dọn dẹp bàn thờ. Việc này thể hiện sự tôn trọng của gia chủ đối với bề trên, không tạo ra sự xáo trộn ở nơi thờ tự.
Khi lau dọn bàn thờ, cần sử dụng khăn sạch với nước ấm hoặc nước ngũ vị để lau bát hương và các vật phẩm thờ cúng khác. Không nên sử dụng nước lạnh, các hóa chất tẩy rửa mạnh vì có thể làm mất đi sự linh thiêng ở nơi thờ cúng. Trong quá trình lau dọn, tránh làm xê dịch, nghiêng lệch bát hương.
Khi rút tỉa chân hương, nên thực hiện một cách từ từ, nhẹ nhàng, giữ lại số chân hương lẻ như 3, 5, 7 chân hương trong bát hương.
Chân hương đã rút có thể đem hóa và mang tro đi rải ở sống suối hoặc nơi sạch sẽ.
Sau khi hoàn thành việc lau dọn bàn thờ, hãy sắp xếp các vật dụng thờ cúng trở lại ví trí ban đầu.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.