Cầm trên tay chiếc khăn mặt, chiếc dép ở lớp của Quân – một trong 18 cháu bé thiệt mạng, mất tích sau trận lũ quét cuốn trôi cả thôn Làng Nủ, cô giáo mầm non Hoàng Thị Nự khóc nức nở.
Lần giở từng chiếc khăn tay, đôi dép, lý lịch nhập học của các cháu bé 4 – 5 tuổi, cô Hoàng Thị Nự, giáo viên Trường mầm non số 1 Phúc Khánh, thuộc điểm trường Làng Nủ, không thể ngờ chỉ vài ngày sau khai giảng lại trở thành kỷ vật cuối cùng của các cháu.
Những bộ hồ sơ nhập học còn nguyên giấy mới, không ngờ lại trở thành kỷ vật cuối cùng của rất nhiều em nhỏ tại Làng Nủ sau trận lũ ống
ẢNH: PHAN HẬU
Nghe tin lũ ống quét cả thôn Làng Nủ sáng 10.9, cô Nự thấy chân tay run cầm cập, rụng rời. Điện thoại không có sóng, không liên lạc được với ai. Vội vã cùng bà con thôn bản, dân quân, công an chạy ra hiện trường với hy vọng mong manh tìm cứu được một người nào đó, nhưng không tìm được.
Dân bản ra đứng ngóng hy vọng tìm thấy cánh tay vẫy lên để cứu nhưng cũng không có. Thương nhất là khi bắt gặp được một cháu bé ngồi trên téc nước mà bất lực không thể cứu được, vì đất đá đổ sụp xuống trôi đi rất nhanh. Chúng tôi chỉ biết ôm mặt khó
Trong số 158 nhân khẩu sinh sống tại Làng Nủ, thì có 18 cháu đang trong độ tuổi mầm non (0 – 5 tuổi). Trong đó 10 cháu đi học tại Trường mầm non số 1 Phúc Khánh. Sau 3 ngày tìm kiếm, tới nay đã tìm thấy 8 cháu tử vong, 1 cháu bé 3 tuổi bị thương đã được đưa đi viện, vẫn còn 1 cháu mất tích.
“Cảm giác hoang mang, thương tâm lắm, không gì diễn tả được. Các cháu còn rất nhỏ. Tôi không ngủ được, chỉ nghĩ đến các cháu lúc tìm thấy thi thể, có cháu còn nguyên vẹn nhưng cũng có cháu không còn gì nữa. Thương lắm”, cô Nự đau xót.
Cũng theo cô, đa số các cháu thuộc diện hộ nghèo, gia đình khó khăn. Bây giờ mất hết cả bố mẹ, cả nhà cả người, mất trắng cả. Lũ đã xóa sổ hết cả.
Cũng là người Làng Nủ, gắn bó với các gia đình, cô giáo Nự nhớ từng cháu học sinh. Kể lại với chúng tôi, cô nhắc tên từng bạn trong lớp. “Nhiều bạn ngoan ngoãn hiếu động hay cười, nhất là bạn Hoàng Phúc Lộc, 4 tuổi. Cô giáo trêu “bạn Lộc đẹp trai thế” là Lộc lại cười tủm tỉm”, cô Nự nhớ lại.
Cô Nự nói bạn Nông Hoài Nam rất thích sưu tập siêu nhân, thích mặc áo cờ đỏ sao vàng. Khăn mặt của con ở lớp cũng có biểu tượng cờ đỏ sao vàng do con tự chọn
ẢNH: PHAN HẬU
Hay bạn Nông Hoài Nam rất thích sưu tập siêu nhân, thích mặc áo cờ đỏ sao vàng. Lúc nào con cũng bảo thích mặc áo cờ đỏ sao vàng. Trong lớp biểu tượng khăn của con cũng là cờ đỏ sao vàng.
Bạn Quân thì ước mơ lớn lên làm bác sĩ cứu chữa bệnh cho mọi người. Biểu tượng khăn của con là xe đạp. Sau này lên lớp 1 con thích được mẹ mua cho xe đạp đi học. Nhưng giờ cả mẹ, cả Quân và anh trai đã bị nước lũ cuốn trôi, chỉ còn lại chiếc khăn, gối thìa ở lớp mầm non.
Cháu Lương Gia Huy, mới 4 tuổi, chuyển khẩu từ Vĩnh Phúc về Làng Nủ ở cùng ông bà nội. Chỉ còn chờ thông báo nhập trường đi học mà ko kịp.
“Học sinh đầu tiên tìm thấy là cháu Khôi, cháu Long và cháu Lan. Không cầm được nước mắt, các cháu quần áo rách nát, thiếu tay thiếu chân, không còn hoàn chỉnh nữa, có người mất cả đầu. Không thể diễn tả nổi, thương tâm lắm”, cô Nự khóc nức nở.
Cháu Lương Gia Huy, chuyển khẩu từ Vĩnh Phúc về Làng Nủ ở cùng ông bà nội. Chỉ còn chờ thông báo nhập trường đi học mà ko kịp
ẢNH: PHAN HẬU
Sau khi lực lượng chức năng tìm thấy hết những người mất tích, những vật dụng còn lại của các cháu sẽ trao cho gia đình. Nếu cháu nào may mắn còn bố mẹ hoặc anh em họ hàng thì giữ làm kỷ niệm hoặc làm thủ tục khai tử cho các cháu.
“Những gia đình nào đã mất hết thì các cô sẽ giữ lại, là kỷ vật cuối cùng mà cô trò mình được học, ăn ngủ với nhau với rất nhiều kỷ niệm. Năm học mới bắt đầu từ 28.8, vừa khai giảng được mấy ngày thì lại bị như thế”, cô Nự nói.
Cô Nự nghẹn ngào xếp lại đồ đạc của học sinh đã mất, nói sẽ trao lại cho người thân nếu còn, còn lại giữ làm kỷ niệm
ẢNH: PHÂN HẬU
Cô giáo thôn Làng Nủ mong muốn các mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ Làng Nủ, giúp các cháu và những người dân còn lại có chỗ ở ổn định. Người dân đã phải di dời đi ở nhờ khắp nơi, không ai dám ở lại vì trên đồi điểm sạt còn rất nhiều.