Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, nối 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông của tỉnh Phú Thọ bất ngờ đổ sập 2 nhịp vào sáng nay, 9/9. Nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam kịp thời có mặt tại hiện trường, đang cập nhật thông tin về sự cố tới bạn đọc.

* Ấn F5 để cập nhật thông tin

14h25: Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, chảy xiết. Khoảng 10h02 hôm nay, 9/9, cầu Phong Châu tại km18+300 quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông – Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động các lực lượng chức năng (công an, quân đội, y tế, nhân dân địa phương…) triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để cứu người, ứng phó, khắc phục sự cố.

Sơ bộ xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 8 phương tiện gặp nạn (trong đó có 1 xe tải, 1 ô tô con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện); đã cứu, đưa 5 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Cũng theo báo cáo, do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn; chưa xác định cụ thể về số người bị mất tích.

Tỉnh Phú Thọ đang đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Quân khu 2 và các lực lượng chức năng tích cực, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện và các biện pháp cần thiết để tìm kiếm người mất tích; cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.

00:00/00:42

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc triệu họp tại hiện trường, chỉ đạo khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu

14h15: Họp về khắc phục hậu quả sập cầu Phong Châu, tại huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ghi nhận lực lượng quân đội, công an và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã rất cố gắng, nỗ lực đảm bảo an toàn từ khi xảy ra sự cố.

Phó Thủ tướng đồng thời yêu cầu đơn vị, lực lượng chức năng phải rà soát chính xác số nạn nhân, phương tiện rơi khỏi cầu. Theo báo cáo chưa đầy đủ, có khoảng 5 ô tô và 2 xe máy, và trên 10 người bị rơi. Có 3 người được cứu đưa đi viện, trong đó 1 người được sơ cứu, 2 người đang điều trị.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần triển khai ngay các nhiệm vụ: Thứ nhất, ngăn đường để phương tiện, người dân không đi qua khu vực cầu Phong Châu. Ngăn đường bằng rào sắt hoặc rào tre, phân công nhân sự đứng trực, đặt biển báo. Làm biển cảnh báo, chỉ đường tránh cho các phương tiện lưu thông, thông báo rộng rãi để người dân biết.

Thứ hai: Về tìm kiếm cứu hộ, khi điều kiện cho phép thì sử dụng các biện pháp kỹ thuật để cứu vớt người, phương tiện.

Thứ ba: Bảo đảm giao thông tuyến đường. Quân đội xem xét có thể làm cầu phao hoặc phà, đảm bảo vững chắc, tiết kiệm thời gian đi lại của người dân. Việc thi công cầu cứng có thể mất 1 năm, nên cần 1 giải pháp hiệu quả trước mắt.

Thứ tư: Cần chữa trị nạn nhân, động viên các gia đình nạn nhân. Phía tỉnh Phú Thọ cần hỗ trợ điều kiện cần thiết cho người bị nạn, giúp đỡ các nạn nhân.

13h45: Nước sông vẫn dâng cao và chảy xiết. Lực lượng chức năng đã phong tỏa hai đầu cầu Phong Châu. Phao bơi, áo phao, bình oxy và các phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ được tập kết tại đầu cầu.

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 1

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 2

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 3

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 4

Ảnh: Xuân Hồng.

13h40, tại hiện trường sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu lực lượng chặn 2 đầu cầu, dùng lưới để tìm kiếm người bị rơi xuống sông.

Tuy nhiên, phía tỉnh Phú Thọ báo cáo, giải pháp cứu hộ đang gặp khó khăn do nước xiết không thể đưa người, phương tiện cứu hộ xuống sông.

Thống kê sơ bộ, có 10 ô tô, 2 xe máy rơi xuống sông và 13 người bị cuốn trôi.

13h30: Một số nạn nhân được cứu

Anh Khổng Văn Sỹ, nhân chứng cứu được 2 người ở Cầu Phong Châu, phía huyện Tam Nông, kể: “Khi tôi đang làm việc thì nghe tiếng “ùm” không lớn lắm, chạy ra thấy thành cầu mất tích, nước tung trắng lên. Biết chắc là có người rơi, chúng tôi tới hiện trường xem xét tình hình. Phát hiện 2 người bám vào mấu cầu, chúng tôi đã kéo họ lên. Người được cứu rất hốt hoảng, sợ sệt, không nói được gì. Có 2 người an toàn rồi. Lúc cứu người đó, bản thân chúng tôi cũng rất sợ”.

13h15:

Sơ bộ thống kê cho thấy có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi do vụ sập cầu Phong Châu.

Đây là con số được lãnh đạo địa phương báo cáo Phó thủ tướng tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu. Về danh tính người bị nạn chưa xác định được.

12h40:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ

12h47:

Phó thủ tướng đã có mặt tại hiện trường và đang đang họp chỉ đạo ở tỉnh về vụ sập cầu Phong Câu.

Tại hiện trường lúc này theo phóng viên Xuân Hồng, Ngọc Phúc: Trời đang mưa, người dân tập trung rất đông. Lực lượng chốt chặn từ xa để bảo vệ hiện trường.

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 5

Hình ảnh ghi nhận tại đầu cầu bên huyện Lâm Thao

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 6

Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường cầu Phong Châu

12h39:

Ông Phan Trường Sơn, Khu 10 Hương Nộn – Tam Nông – Phú Thọ – người thoát chết sau vụ sập cầu kể lại khoảnh khắc thoát lưỡi hái tử thần khi cầu Phong Châu bị sập:

“Đang đi trên cầu tôi cảm giác 1 tiếng uỳnh rất to đằng sau, nghĩ rằng phía sau có xe nặng tải di chuyển, chưa kịp phản xạ đằng sau là cái gì, tôi đã rơi xuống nước. Cả người cả xe rơi xuống nước, may sao tôi lấy hơi, bơi được lên mặt nước, bám vào cây chuối, sau đó có người cứu lên.

Lúc rơi xuống nước tôi nghĩ mình không sống được, khi ngoi được lên mặt nước tôi vẫn không tin mình còn sống.”

12h27:

Nguồn tin từ phóng viên Ngọc Phúc, cam hành trình của một người đi đường đã ghi lại được “mũi tử thần” ngay trước mắt – khoảnh khắc kinh hoàng khi cầu Phong Châu sụp đổ ngay phía trước:

00:00/01:11

Cam hành trình ghi lại vụ sập cầu Phong Châu

12h20:

Theo thông tin của báo Pháp luật Việt Nam, cầu Phong Châu mới được bảo dưỡng tu bổ cuối năm 2023 và nghiệm thu đầu năm 2024

12h16: Nguồn tin từ hiện trường cung cấp thêm: vào thời điểm cầu sập, có 1 xe khách loại 45 chỗ, 3 xe công, hơn 10 xe con, số xe máy thì chưa thống kê cụ thể.

12h15: Phóng viên đã trích suất được một clip từ nhà dân ghi lại thời điểm cầu Phong Châu bị sập:

00:00/00:32

CLip khoảnh khắc sập cầu Phong Châu

12h10:

Phóng viên Ngọc Nga thông tin:

Do vụ sập cầu Phong Châu, Công an Phú Thọ đã phân luồng giao thông như sau:

Người dân các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, các huyện Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì có thể lựa chọn các tuyến đường để di chuyển như sau:

Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua Quốc lộ 2 → đi Lâm Thao, Việt Trì.

Hoặc các phương tiện đi Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao.

Các phương tiện từ hướng Lâm Thao đi Tam Nông, theo chiều ngược lại.

Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc đi cầu Đồng Quang → đi Hà Nội, Vĩnh Phúc.

Hoặc đi theo tuyến quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

12h06: Phóng viên Xuân Hồng ghi nhận thông tin từ các nhân chứng tại hiện trường cho biết vào thời điểm sập cầu, có 2 ô tô khách, 2 xe công và nhiều người dân đi trên cầu

11h30: Ghi nhận của PV Báo Pháp Luật Việt Nam, tại thời điểm này, hai bên đường dẫn lên cầu có rất đông người và phương tiện ùn tắc, lực lượng chức năng đã xuất hiện để phân luồng và tiến hành công tác cứu hộ, nhiều phương tiện cứu hộ được huy động tới hiện trường.

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 7

Hai nhịp cầu Phong Châu bất ngờ đổ sập sáng 9/9. Ảnh: Xuân Hồng.

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 8

Khi cầu sập nghi ngờ có phương tiện và người đang lưu thông. Ảnh: Xuân Hồng.

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 9

Hai bên đầu cầu ùn tắc giao thông, lực lượng chức năng có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Xuân Hồng.

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 10

Các phương tiện cứu hộ cứu nạn khẩn trương có mặt tại hiện trường để thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Xuân Hồng.

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 11

Đông người dân có mặt tại hiện trường không khỏi lo lắng và bất an, lực lượng chức năng đã có mặt. Ảnh: Xuân Hồng.

 Trực tiếp từ hiện trường vụ sập cầu Phong Châu: 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, 13 người bị cuốn trôi ảnh 12

Hàng loạt xe cứu thương, cứu hỏa, cứu hộ có mặt tại đầu cầu phía Lâm Thao. Ảnh: Xuân Hồng.

10h: Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch huyện Tam Nông, hai nhịp cầu Phong Châu rơi xuống sông, nhiều khả năng người và phương tiện đang đi qua cầu đã bị gặp nạn, đến lúc này chưa xác định được số nạn nhân cụ thể.

Chính quyền tỉnh Phú Thọ đang huy động các lực lượng để tổ chức cứu nạn cứu hộ các nạn nhân. Hiện nhiều người dân đang tập trung hai bên đầu cầu, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần ra khỏi khu vực này gấp vì đang tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng tại Km18+300 Quốc lộ 32C, kết nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Cầu Phong Châu được xây dựng theo công nghệ cũ với kết cấu dàn thép, có chiều dài 375,36 m, được khánh thành vào ngày 28 tháng 7 năm 1995.