“Ranh giới của các chuẩn mực mới là điều đáng nói. Nhiều hành động quá trớn, phản cảm ngoài cộng đồng đã khó chấp nhận, giờ đã lan vào trong trường học, ngay trên bục giảng; sao lại thành ra thế này”.
Những ngày qua, đoạn clip ghi lại cảnh một học sinh lớp 10 trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) có hành vi thân mật như trêu đùa, ôm vai, vuốt tóc cô giáo trên bàn giáo viên trở thành chủ đề được bàn tán trên mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông.
Thông tin với Dân trí ngày 2/10, bà Bùi Thùy Linh (Hiệu trưởng THPT Thạch Bàn) xác nhận sự việc xảy ra ngày 27/9 và cho biết nhà trường đã làm việc với các bên ngay sau khi clip xuất hiện trên mạng. Bước đầu xác định những hình ảnh không chuẩn mực xuất phát từ hành vi trêu đùa quá trớn của học sinh Đ.
“Hôm xảy ra sự việc, giáo viên có 2 tiết dạy liền nhau. Trong tiết 1, học sinh mất trật tự, không tập trung khiến giáo viên không hài lòng. Vào giờ giải lao, thấy giáo viên ở lại lớp, em Đ. đã lên ngồi cạnh và trêu đùa với mục đích làm cô vui trở lại. Tuy nhiên, hành vi trêu đùa của em không đúng mực. Khi được quay lại ở góc quay ngang, hành vi đó gây phản cảm và hiểu lầm”, vị hiệu trưởng chia sẻ.
Dù lãnh đạo nhà trường đã lên tiếng giải thích song sự việc vẫn vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận. Nhiều người cho rằng dù nguyên nhân xuất phát từ đâu, đây vẫn là những hành vi thể hiện sự lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong môi trường học đường của cả cô và trò.
“Ranh giới của các chuẩn mực mới là điều đáng nói ở đây. Nhiều hành động quá trớn, phản cảm ngoài cộng đồng đã khó chấp nhận, giờ đã lan vào trong trường học, ngay trên bục giảng, sao lại thành ra thế này? Đừng giẫm lên các ranh giới khiến chúng bị xóa nhòa, dù chỉ một ngón chân, vì sau đó chúng ta không còn nhận ra đâu là giới hạn.
Tôi còn tưởng đọc một mẩu tin tản mạn ở xứ xa xôi trời tây nào đó kia đấy. Xem ra, với những chuyện dồn dập gần đây, ngành giáo dục còn rất nhiều việc phải làm rồi.
Nhân tiện, đề nghị các ban ngành xem lại cách thức xử lý người quay clip, phân biệt rạch ròi, cân đối giữa công và tội. Cần thông tin rộng rãi cách xử lý với clip đã quay, đặc biệt cần tạo cơ chế, phương tiện thực sự mang tính khuyến khích. Nếu việc phơi bày một sự việc do lương tri thôi thúc mà quá khó khăn trong khi dễ gặp rắc rối thì sẽ dần triệt tiêu lòng nhiệt thành, tinh thần phản ánh của cộng đồng”, độc giả ChauHCM trải lòng.
“Trong nhà trường, cái cần dạy học sinh đầu tiên là về nhân cách, sau đó là đạo đức và trí tuệ. Như sự việc trên thì xin chào thua cô giáo này. Thầy cô giáo giờ khác xưa rất nhiều, người đáng trách nhất trong sự việc chính là giáo viên”, chị Hoa Van tiếp lời.
Cũng cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về cô giáo, độc giả Nguyen Duy Tuyen bình luận: “Tại sao cô giáo không nghiêm khắc ngay từ khi học sinh có thái độ như vậy trong khi học sinh thì luôn có rất nhiều trò mà khó có thể lường trước được. Ngoài ra, cần xem xét mục đích, động cơ của người quay clip và phát tán thông tin để áp dụng biện pháp giải quyết phù hợp”.
Với chủ tài khoản có nickname Ma Vần, người này nhìn nhận việc hiệu trưởng lên tiếng giải thích về bản chất chỉ là cách “nói khéo, nói tránh, nói hay” còn về bản chất, sự việc cho thấy đây là một trường hợp học sinh cá biệt, ương bướng còn giáo viên thì lại non kinh nghiệm, thiếu kỹ năng ứng xử, yếu đuối, ủy mị và phụ thuộc vào nhan sắc.
“Sự nuông chiều con trẻ và bao bọc quá mức đang khiến một bộ phận thanh thiếu niên sống thực dụng, lười nhác học tập, lao động về sau, thiếu kiến thức và văn hóa ứng xử trong xã hội”, độc giả này nhấn mạnh.
“Thật khó hiểu khi hình ảnh như vậy trong môi trường giáo dục lại diễn ra, ngay trong giảng đường và có sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Gần đây, ngành giáo dục xảy ra quá nhiều chuyện liên quan đến đạo đức nhà giáo. Đã đến lúc ngành giáo dục hành động, đừng để “Quá mù sang mưa” trong sự nghiệp trồng người”, bạn đọc Hung Thanh bình luận.
Trường THPT Thạch Bàn (Ảnh: Vinh Quang).
Liên quan tới sự việc, về phía phụ huynh của em Đ., gia đình cho biết đã nhận thức được vi phạm của con, cam kết sẽ điều chỉnh hành vi của con để tránh những hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, gia đình không đặt ra bất kỳ nghi vấn nào về phía giáo viên và đồng ý với hình thức xử lý của nhà trường.
Về phía giáo viên là cô T., nhà trường đã tạm đình chỉ công tác đối với giáo viên T. trong thời gian vụ việc được giải quyết. Bước đầu, cô T. đã nhận lỗi về hành vi ứng xử với học sinh chưa chuẩn mực, làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cá nhân và nhà trường.