Em sinh ra trong gia đình nghèo khó. Từ nhỏ, em đã có thành tích học tập tốt hơn các bạn. Những tưởng mình sẽ được học hành đến nơi chốn và có một tương lai sáng lạn thì đến năm cấp 3, bố em qua đời. Em một thân một mình lên thành phố kiếm sống, gửi tiền về cho mẹ và các em ăn học.
Cuộc đời em đúng là truân chuyên các chị ạ. Khi mới lên thành phố, em yêu và quen Hải – một thanh niên cũng không có công ăn việc làm, suốt ngày chỉ chơi bời và phá phách. Thời điểm đó cũng không trách em được. Vì tính ra thì em còn quá trẻ, mới 17 tuổi thôi. chuyện tình yêu lại là thứ khó nói nữa. Thành ra khi ấy, Hải chẳng có gì nhưng em vẫn đắm đuối, cố chấp yêu bằng được.
Quen nhau được một thời gian thì bọn em về sống chung. Suốt quãng thời gian chung sống, bọn em bắt đầu nảy sinh một số chuyện không thể giải quyết được.
Ví dụ như chi phí sinh hoạt hàng ngày. Cả hai ở với nhau, ít nhất cũng phải chia đều. Đằng này tháng nào em cũng phải bù tiền, còn Hải thì cứ mặc sức tiêu pha nhưng lại không đưa em đồng nào. Nói thì anh trừng mắt quát nên em không dám hỏi thêm nữa.
Ảnh minh họa: Nguồn Sanook.com
Ở được nửa năm thì em có bầu. Lúc đó em hoang mang lắm. Nhưng yêu nhau sâu đậm như thế, em nghĩ chắc hai đứa cũng sẽ được cưới thôi. Nào ngờ ngay hôm đầu về ra mắt, mẹ Hải đã ghét em ra mặt. Bà bảo:“Nhà này không chấp nhận loại con gái chưa chồng mà chửa. Cô định ăn nằm với ai rồi về bắt vạ nhà tôi đấy à?”.
Bà còn nói chỉ cưới cho con trai những người học xong đại học. Đúng là nực cười các chị ạ. Con trai mình chẳng ăn ai. Thế mà lúc nào cũng nghĩ là danh giá lắm, đòi cưới con gái giỏi giang có bằng cấp cơ. Lại nói về phần em và cái thai trong bụng. Thì sau đợt đó, Hải cũng chia tay em luôn. Còn về cái thai thì anh bảo đi giải quyết.
Nhưng phụ nữ mình, mang nặng đẻ đau, có sợi dây liên kết với con nên làm sao nói bỏ là bỏ được. Em nghĩ mãi nên quyết không bỏ con. Thay vào đó, em về nhà thú nhận mọi chuyện với mẹ. Hôm em về khóc lóc kể chuyện mình đã có bầu, bố đứa bé thì cao chạy xa bay không chịu trách nhiệm, mẹ em chẳng trách câu nào. Bà cứ vỗ ngực trách mình:
“Do mẹ, do mẹ không có sức khỏe để đi làm nuôi các con. Do mẹ khiến con phải lên thành phố mưu sinh nên mới bị nó lừa. Thôi con ạ, con cái là lộc trời cho. Mình không giàu nhưng cứ cố mà sinh đứa bé ra. Còn hơn là bỏ nó từ trong trứng nước”.
Thế rồi em ở nhà sinh đẻ dưới cái nhìn dị nghị của hàng xóm láng giềng. Hồi ấy ai gặp em cũng mỉa mai:
“Bụng to như cái trống rồi đấy nhỉ? Thế bố đứa bé là ai?”.
Em giận lắm nhưng xấu hổ không dám ngẩng đầu lên. Ai bảo do em dại dột, giờ bị người ta cười chê cũng đúng thôi. Sinh con được nửa năm thì em lại lên thành phố làm việc. Nghĩ thương con lắm đấy chứ. Nhưng cứ ở nhà như thế thì mẹ con bà cháu biết lấy gì mà ăn?
Thế rồi lần này, em xin làm công nhân trong một khu công nghiệp. Thời gian làm việc ở đây, em lại gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với người mới tên là Trọng. Lúc đầu em cũng dè dặt lắm. Vì người ta là quản lý bộ phận, lại chưa từng kết hôn. Còn em thì các chị cũng biết rồi, bằng cấp không có, lại mới vừa sinh một đứa bé không cha. Ai nhìn vào mà chẳng thấy khập khiễng.
Nhưng Trọng rất thương em. Biết hoàn cảnh của em như vậy, anh càng giúp đỡ em nhiều hơn. Đến cuối tháng biết em về quê thăm con, anh lại mua bỉm sữa để em mang về. Khi ấy em ngại nên không nhận. Anh mới bảo:
“Em đừng làm thế, tội nghiệp thằng bé. Sinh ra đó đã thiệt thòi vì không có bố rồi. Nếu được, anh muốn bù đắp cho mẹ con em”.
Chỉ mấy câu nói như vậy thôi cũng khiến em cảm kích đến mức bật khóc thành tiếng. Bao lâu nay người ta cứ chỉ trỏ em thế này thế khác. Chỉ có anh là hết lòng với em. Sau một thời gian, cuối cùng em cũng nhận lời yêu Trọng. Thế nhưng lúc mới yêu, em cũng giao hẹn với anh rõ ràng:
“Anh là trai chưa vợ. Anh xứng đáng gặp được người tốt hơn em. Nên bây giờ yêu thì mình cứ yêu. Còn khi nào anh thấy có người phù hợp hơn, em sẵn sàng buông tay để anh đến với cô ấy”.
Trọng trầm ngâm một lát rồi thở dài:
“Em nghĩ anh là con người như thế à? Nếu không nghiêm túc với em, anh đã chẳng theo đuổi em nửa năm trời”.
Yêu nhau được một thời gian thì Trọng đưa em về nhà ra mắt. Nói thật với các chị, trước đó em cứ nghĩ nhà Trọng chỉ là có điều kiện thôi. Đến khi về đó mới biết, nhà anh to nhất vùng. Đã thế mọi thứ đều vô cùng đắt đỏ và bề thế, nhà thì như cung điện ấy, giúp việc có đến 3 người luôn.
Hôm ấy biết con trai dẫn người yêu về ra mắt, mẹ Trọng hồ hởi lắm. Lúc đầu em được đối đãi rất tốt. Trong bữa ăn, mẹ Trọng mới hỏi khéo:
“Bác nghe nói nhà con có 3 chị em, bố mất rồi à? Hiện tại con làm ở công ty thằng Trọng là trong vị trí nào thế?”.
Biết mẹ đang cố tình tìm hiểu kỹ về em, Trọng nói sang chuyện khác để đánh trống lảng. Nhưng em nghĩ đằng nào người ta cũng đã biết mình. Thôi thì cứ thật thà nếu được đồng ý thì tốt, còn không thì cũng chia tay để đỡ mất thời gian dành cho nhau. Em đáp:
“Con làm công nhân bình thường thôi ạ. Ngoài mẹ và các em, con còn một bé trai hơn 1 tuổi nữa ạ”.
Ảnh minh họa: Nguồn Sanook.com
Nghe đến đó, mẹ Trọng buông đũa xuống. Mặt bà biến sắc rồi nói mình mệt và đi vào phòng. Còn Trọng thì cứ trách vì em không giữ miệng. Tại sao những chuyện ấy lại phải thành thật như vậy? Sau hôm đó thì mẹ Trọng chính thức phản đối hai đứa đến với nhau. Thật ra khi nói ra mọi chuyện, em cũng biết là mình sẽ không được đồng ý. Bởi nếu em có tiền và con trai em giỏi giang như vậy, em cũng không bao giờ muốn nó cưới một người con gái chẳng có điểm gì nổi bật như mình.
Sợ người yêu đứng giữa hai bên, em chủ động nói chia tay. Suốt thời gian ấy, Trọng như mất hết phương hướng. Anh xin nghỉ ở công ty, bắt đầu rượu chè thâu đêm suốt sáng. Đến khi tỉnh táo thì lại tìm đến phòng trọ của em khóc và xin quay lại. Mẹ Trọng cũng nhận ra càng ngày con trai mình càng khác. Cuối cùng, bà tìm đến em và đồng ý tổ chức làm đám cưới.
Em vẫn nhớ như in cuộc nói chuyện hôm ấy. Mẹ ngồi trước mặt em, chậm rãi nói từng điều kiện để hai đứa đến với nhau:
“Cô phải ký giấy tờ từ chối tài sản nếu hai đứa chia tay. Sau khi kết hôn, cô cũng phải về sống chung với gia đình tôi và chấp nhận làm mọi việc theo tôi yêu cầu, bao gồm cả việc nhà. Còn con trai cô thì tất nhiên là nó không được theo mẹ đi lấy chồng rồi, đó là điều kiện tối thiểu. Đối với mọi người, cô cũng không được nhận là mình có con riêng”.
Nói thật là ngay từ đầu, mẹ anh đã không muốn cho con trai tái hôn cùng mình. Vì suy cho cùng thì chẳng ai có thể thương con em được như máu mủ ruột già cả. Nếu sống chung, chỉ sợ thằng bé sẽ tổn thương thôi. Chính vì thế, em chấp nhận với mọi điều kiện mà mẹ Trọng đưa ra. Về phần bố Trọng thì ông dường như không có nhiều tiếng nói trong gia đình. Vợ quyết thế nào, ông chấp nhận thế ấy. Còn mọi chuyện khác ông không bao giờ can thiệp. Thành ra khi nói con trai sẽ kết hôn với em, ông cũng gật gù đồng ý ngay.
Ngày đàng trai về nhà em, ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ. Phần vì mọi người không nghĩ là em lại lấy được chồng là trai tân. Phần vì ai cũng bất ngờ khi nhà chồng em giàu quá. Đi toàn xe sang và đắt tiền, đồ lễ cũng bày rất lộng lẫy. Mẹ em thì nở mày nở mặt vì nghĩ con gái được gả vào gia đình hào môn. Bà còn bảo có nằm mơ cũng không ngờ con gái lại được gả vào gia đình tốt như thế.
Chỉ có em là không biết cuộc đời mình sẽ thế nào. Bởi chưa gì nhưng em đã cảm nhận được một điều là mẹ chồng sẽ không dễ dàng mà sống hòa thuận với mình. Đám cưới của em diễn ra hoành tráng lắm. Mọi thứ đều được chuẩn bị đầy đủ tươm tất. Hôm tổ chức trên thành phố, mẹ chồng em cứ lên trao hết kiềng vàng này đến thỏi vàng nọ. Em nhìn mà cũng giật mình. Còn chồng đứng cạnh thì cười không ngớt. Anh còn đùa:
“Có ngần này vàng rồi, vợ chồng mình bán tiêu dần cũng đủ sống vợ nhỉ”.
Hôm ấy tính sơ sơ thì mẹ chồng trao em được 100 cây vàng. Con số này ai nghe cũng phải giật mình, ngay cả bản thân em. Nhưng chuyện đâu dừng lại ở đó, cưới xong hôm trước thì hôm sau mẹ chồng đã lên phòng em hỏi:
“Vàng hôm bữa đâu rồi?”.
Em thật thà bảo cất két rồi. Sợ nhiều như thế để ở ngoài mất thì khổ. Thế là mẹ chồng em phá lên cười:
“Mỹ ký cả đấy, vứt đi cho đỡ rác nhà. Tôi nói thật, 100 cây vàng hay mấy trăm cây đều trong tầm tay của tôi. Nhưng vì con tôi nó cứ cố chấp cưới một đứa như cô nên tôi chẳng buồn mua vàng thật mà tặng. Xem như trao vàng mỹ ký là nhà cô cũng nở mày nở mặt lắm rồi đấy. Mà tôi hỏi này, cô cũng không phân biệt được đâu là vàng giả đâu là vàng thật đấy à”.
Mẹ chồng nói câu đó mà em ứa nước mắt. Em đồng ý là mình không có quyền đòi hỏi phải được trao nọ kia. Nhưng mẹ chồng làm vậy liệu có quá đáng lắm không? Sau hôm đó, em cũng kể với chồng. Chồng em thấy vợ thiệt thòi nên đã cự cãi với mẹ một trận. Có điều em biết rồi tiếp theo, cuộc sống của mình sẽ còn khó khăn nữa. Lấy chồng giàu cũng có được gì đâu các chị, giờ em chẳng khác gì con chim bị nhốt trong lồng sắt mà chẳng biết ngày được tự do đây.