Có vẻ như tôi càng nhẫn nhịn, họ càng được đà lấn tới, nghĩ mình là “cửa trên”. Quá tức giận, tôi tuyên bố hủy hôn và dẫn con cháu nhà mình ra về ngay.
Tôi có một con gái và một con trai. Vợ tôi bị bệnh mất cách đây 20 năm, tôi một mình “gà trống nuôi con”. Vì thương các con thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm của mẹ nên tôi quyết tâm không “đi bước nữa”, cố gắng chăm sóc, bù đắp cho các con hết sức có thể.
Con trai lớn của tôi đã cưới vợ, có hai con và giữ chức giám đốc tại một công ty. Nhìn chung, cuộc sống của con khá đủ đầy, hạnh phúc nên tôi cũng yên tâm phần nào.
Tuy nhiên, con gái út của tôi lại không được may mắn như vậy. Con lấy chồng từ khá sớm, ngay sau khi tốt nghiệp đại học vì trót dính bầu. Có lẽ, do yêu nhanh, cưới vội nên cuộc hôn nhân của con không kéo dài được lâu. Con ly hôn chỉ sau hai năm, khi cháu ngoại của tôi mới hơn một tuổi.
Từ đó đến nay cũng 5 năm, sau nhiều lời khuyên bảo từ bố và anh trai, con gái út của tôi mới chịu mở lòng thêm lần nữa. Con yêu một đồng nghiệp bằng tuổi, là cấp dưới của con nhưng là trai tân.
Mấy lần chàng trai đó đến chơi nhà, tôi thấy cậu ấy là người khá được. Cậu ấy điển trai, chăm chỉ, có chí tiến thủ và đặc biệt là rất chăm sóc, yêu thương con gái cũng như cháu ngoại của tôi. Chính điều đó khiến tôi ủng hộ mối tình này.
Tôi đã không thể nhẫn nhịn khi hai bên thông gia gặp nhau (Ảnh minh họa: Sohu).
Hai đứa yêu nhau được khoảng hai năm thì quyết định tiến tới hôn nhân. Tôi biết để đến được bước này không hề đơn giản. Nhà trai ban đầu không đồng ý vì con gái tôi đã qua một đời chồng, lại còn có con trai học cấp một. Các con đã phải chứng minh rất nhiều mới nhận được sự gật đầu của nhà trai.
Đối với tôi, con gái tôi luôn hoàn hảo, vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang. Cháu ngoại tôi cũng đẹp trai, ngoan ngoãn, học giỏi. Con tôi chỉ không may cưới nhầm người, lỡ dở tình duyên. Nhưng tôi biết, đối với gia đình bên kia, đó là khiếm khuyết rất lớn. Do vậy, vì con cháu, tôi luôn cố gắng nhún nhường, chấp nhận ở “cửa dưới”.
Ngày hai gia đình gặp mặt bàn chuyện cưới xin, muốn hẹn mấy giờ, ở đâu, tôi đều theo ý nhà trai hết. Nhà tôi cũng không quên mang quà cáp để biếu thông gia. Nhưng ngay từ giây phút đầu gặp gỡ, tôi đã nhận thấy họ không vui. Phụ huynh nhà bên rất kiệm lời, chỉ chào hỏi đúng một câu, sau đó cứ tỏ ra khinh khỉnh, chẳng mấy khi nở nụ cười.
Trong khi tôi và con trai, con gái nhanh nhảu hỏi thăm, cố gắng bàn bạc chuyện hôn lễ sao cho êm đẹp nhất, nhà trai cái gì cũng thấy không ổn. Họ không hài lòng từ ngày tổ chức, sính lễ cho đến chuyện lựa chọn địa điểm cưới, cỗ cưới.
Dù thực sự không vui trong lòng, bên nhà tôi vẫn cố nhẫn nhịn, chấp nhận và đáp ứng hết mọi yêu cầu, đề nghị của nhà trai. Thôi thì vì con, vì cháu, như nào cũng được, miễn là đám cưới này được diễn ra suôn sẻ. Và gia đình bên ấy yêu thương con cháu của tôi là đủ.
Nhưng có vẻ như mọi chuyện không thể được như ý của tôi. Tôi càng nhẫn nhịn, họ càng lấn tới, không biết điều. Từ chiếc thiệp cưới màu gì, làm bao nhiêu mâm, ăn món gì…, tôi đều có thể chiều theo ý của họ. Nhưng động đến con cháu tôi thì không được.
Nhà trai đề nghị hôm đám cưới, cháu ngoại của tôi không được phép xuất hiện. Họ muốn giữ thể diện, do đó vẫn nói với họ hàng, bạn bè bên ngoài rằng, con gái tôi là gái tân, chưa từng có chồng con. Đỉnh điểm, nhà trai muốn sau khi kết hôn, tôi sẽ nuôi cháu, chứ không đưa cháu ngoại tôi về sống cùng họ.
Đến nước này, tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi cứ tưởng sau hai năm phản đối, đến lúc nhà trai đồng ý chuyện cưới xin thì họ đã phải chấp nhận mọi thứ liên quan đến con gái tôi, bao gồm cả cháu ngoại của tôi.
Hóa ra không phải như vậy. Họ thực sự “được đằng chân lân đằng đầu”, hoàn toàn không có điểm dừng. Nếu họ đã quá đáng như vậy, hà cớ gì tôi phải nhẫn nhịn thêm nữa.
Tôi biết con rể tương lai là người tốt, luôn nỗ lực trong mối tình này. Cậu ấy lúc nào cũng là trung gian hòa giải, cố gắng xây dựng nhất. Nhưng có lẽ, giữa tôi và cậu ấy không có duyên làm bố vợ – con rể, nếu nhà trai vẫn giữ quan điểm như thế này.
Không cần bàn bạc thêm, trước thái độ và cách hành xử quá quắt của nhà trai, tôi tuyên bố: “Nếu nhà anh chị cảm thấy thiệt thòi như vậy, xấu hổ khi đón con cháu tôi về thì không có cưới xin gì nữa. Gia đình tôi xin phép”.
Nói xong, tôi dắt con cháu tôi đi về ngay. Thấy tôi tức giận và kiên quyết như vậy, con trai, con gái của tôi đều không ai dám nói lời nào, răm rắp nghe theo bố. Bạn trai của con gái tôi chạy đuổi theo xin lỗi, mong chúng tôi đừng ra về nhưng tôi không chịu.
Nói thật, tôi khá tiếc chàng rể này nhưng tôi sợ con cháu mình sau này phải chịu khổ hơn.
Theo mọi người, tôi làm như vậy là đúng hay sai, là biết nghĩ cho con cháu hay không? Mấy nay nghĩ lại, tôi tự dưng sợ một phút bồng bột, nóng giận của mình làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của những người mà tôi yêu thương nhất.