Sự nhẫn nhịn của cô cũng đến giới hạn. Cô cũng không phải là một đứa ngu để cả gia đình chồng lợi dụng hết lần này tới lần khác.
Bỏ qua mọi lời khuyên của người thân, cô vẫn quyết định lấy anh làm chồng. Lúc đó điều kiện nhà chồng không tốt lắm, nhưng cô vẫn chấp nhận vì quá thương anh. Bố mẹ chồng không có lương hưu, sống tằn tiện cơm cháo qua ngày và trông nhờ vào số tiền ít ỏi con cái gửi hằng tháng. Trong khi đó, anh cũng chỉ là công nhân bình thường, thu nhập cũng khá thấp mà còn phải nuôi cha mẹ và em trai học đại học.
Chính vì nhìn thấy lòng hiếu thảo ở anh mà cô tin rằng đó sẽ là một người chồng, người cha tốt sau này.
Thế nhưng, bố mẹ cô không mấy lạc quan về cuộc hôn nhân của con gái mình. Cô còn nói với bố mẹ mình, nếu không cưới được người đàn ông này thì sẽ bỏ nhà đi. Không còn cách nào khác, bố mẹ cô đành đồng ý chuyện kết hôn.
Sau khi kết hôn, bố mẹ cô không muốn con gái mình phải chật vật chuyện thuê nhà. Vì vậy, họ đã mua một ngôi nhà và để cô đứng tên. Tuy nhiên, số tiền cũng khá lớn nên bố mẹ cô chỉ giúp được quá nửa, phần còn lại cô tự trả tiền thế chấp.
Cô nghĩ rằng khi đã là vợ chồng rồi, anh sẽ đưa thẻ lương cho vợ giữ. Hằng tháng, cô phải trả nợ ngân hàng nên không thể chi trả các chi phí gia đình được. Khi nói chuyện với chồng, cô không ngờ anh lại từ chối đưa thẻ lương với lý do là còn phải lo cho bố mẹ và em trai. Anh chỉ chấp nhận gửi cho cô 2 triệu tiền sinh hoạt phí mỗi tháng.
Ban đầu, cô cũng tự an ủi: “Thôi thì mình vẫn có thể xoay sở được, miễn là gia đình hạnh phúc là đủ”. Nhưng không ngờ 2 năm sau đó, công ty chồng cô phá sản nên anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Không việc làm, không thu nhập, ai gọi gì làm nấy, bấp bênh suốt 1 năm trời. Trong 1 năm đó, cả gia đình chồng và chồng đều trông chờ vào đồng lương của cô.
“Đã nghèo lại mắc cái eo”, trong thời điểm anh thất nghiệp, bố chồng được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối. Bác sĩ thông báo ông chỉ còn có 6 tháng sống, các thành viên trong gia đình cân nhắc việc từ bỏ hóa trị trong những tháng cuối này. Khi nghe vậy, mẹ chồng thì ngất đi, còn chồng cô thì khóc như một đứa trẻ.
Lúc đó, anh yêu cầu cô đưa hết tiền tiết kiệm trong nhà để ông có thể tận hưởng nốt những ngày tháng cuối cùng. Anh hy vọng cô có thể bán nhà như một cách thể hiện lòng hiếu thảo của một người con dâu với bố chồng.
Cô không thể chấp nhận đề nghị này của chồng được. Mặc dù cô cảm động trước lòng hiếu thảo của chồng, nhưng chuyện nào ra chuyện đấy. Cô thẳng thắn nói với chồng rằng: “1 năm qua anh thất nghiệp mình tôi nuôi cả nhà anh, nhà thì của bố mẹ cho tôi nên anh không có cái quyền yêu cầu vô lý như thế. Tôi cho anh 2 lựa chọn, 1 là cầm lấy 50 triệu này và ly hôn, 2 là tự xoay sở kiếm tiền viện phí”.
Nghe xong, anh bảo cô đang trốn trách trách nhiệm làm dâu, bản thân ích kỷ. Cô không muốn tranh luận với chồng nữa rồi đóng sầm cửa lại, bỏ mặc tất cả mọi thứ.
Khi nằm trong phòng tối, cô nghĩ về thời gian trước đây và cảm thấy thương tiếc cho số phận của mình. Rõ ràng kể từ lúc cô kết hôn, cuộc sống của cô chẳng có lấy một ngày thảnh thơi. Suốt một năm qua, một mình cô gồng gánh nuôi cả gia đình, lúc nào cũng tất tả chạy chỗ này chỗ kia để kiếm thêm chút tiền về lo cho gia đình. Ấy thế mà, chồng cô chẳng chịu thương vợ mình, suốt ngày chỉ biết “bố mẹ anh”.
Cô nghĩ cũng may là cả 2 chưa có con cái, nếu có rồi cô không biết phải xoay sở thế nào. Ngôi nhà là món quà bố mẹ tặng, cô tuyệt đối không thể bán nó được. Cô quá mệt mỏi khi trở thành trụ cột chính trong nhà rồi. Đó là điều cô không hề mong muốn trong cuộc hôn nhân này.
Bước ra khỏi cánh cửa, cô thấy nhà cửa bừa bộn, chén bát chưa rửa, quần áo chưa giặt, đồ vứt tứ tung, chồng không thèm nhìn lấy một cái mà cắm đầu vào điện thoại. Cô bật khóc, cô quyết định sẽ tự giải thoát cho chính mình, không muốn tiếp tục để cho cả gia đình đấy ỷ lại nữa.