5 năm nay, Linh làm việc như “trâu húc mả” để có tiền dành dụm đưa cho mẹ chồng. Nhưng khi cầm sổ đỏ trong tay, nước mắt cô lăn dài vì biết mình bị lợi dụng.

Linh vốn là người xởi lởi, phóng khoáng. Từ trước đến nay cô không quá bận tâm về chuyện tiền nong.

Ngày còn chân ướt chân ráo về làm dâu nhà bà Lý, mẹ chồng đã ngon ngọt nói với cô rằng: “Các con còn trẻ, chưa biết cách giữ tiền của, nên cứ đưa đây mẹ cầm hộ. Mấy năm nữa được khoản kha khá thì mua cái nhà mà ở riêng. Chứ nhìn chúng mày sống ở đây chật chội cũng thương, mà bố mẹ thì già rồi cũng không có tiền mà cho mua ngay, sau này thêm vào được ít nào thì thêm thôi”.

Sau khi hỏi về thu nhập của 2 con, bà Lý quyết định mỗi tháng, vợ chồng Linh đóng 8 triệu đồng tiết kiệm và thêm 5 triệu đồng tiền sinh hoạt chung. Chồng Linh cũng nói rõ, mỗi tháng phải đưa cho bố mẹ thêm 2 triệu nữa để họ chi tiêu. Vì bố mẹ cũng già rồi không có thu nhập, sức khỏe lại yếu không thể làm việc nữa.

Linh không phản đối vì nghĩ rằng 8 triệu gửi bố mẹ kia là tiền tiết kiệm, gửi ngân hàng thì cũng thế. Còn chuyện đóng tiền sinh hoạt và báo hiếu bố mẹ chồng là việc nên làm. Thế là tiền vàng lúc cưới được hơn 200 triệu cô cũng đưa luôn cho bà Lý giữ hộ.

Hàng tháng, tiền lương của chồng đều là Linh cầm. Tuy nhiên, số tiền ấy chưa đủ để đưa cho mẹ chồng. Linh phải chủ động bỏ thêm 7 triệu của mình nữa. Nhiều khi, 2 vợ chồng cũng bí, cô chịu nhiều thiệt thòi, chẳng dám mua cái áo cái quần thoải mái như thời chưa kết hôn, nhưng Linh vẫn vui vẻ. Tháng nào có tiền thưởng, cô còn mua thêm quà cáp biếu bố mẹ 2 bên.

Cứ thế đến nay đã được 5 năm, tháng nào cũng đều như vắt chanh, Linh gửi mẹ chồng 15 triệu. Có thời gian nghỉ thai sản ở nhà, thu nhập 2 vợ chồng bị giảm sút, Linh còn tìm việc làm thêm, tranh thủ lúc con ngủ thì làm việc để bù vào. Bà Lý có thể đãng trí nhiều thứ, chứ không bao giờ quên tiền Linh phải đóng hàng tháng. Đợt nào cô gửi chậm 1-2 ngày, bà đã nhắc nhở vì sợ con dâu quên.

Hôm bữa cả nhà ăn cơm, bà Lý thông báo số tiền vợ chồng cô gửi đến nay đã được hơn 700 triệu đồng. Bà quyết định mua căn chung cư gần nhà để tiện đi lại giữa 2 nhà. Số tiền còn thiếu thì vợ chồng Linh đi làm rồi trả góp tiếp.

Linh mừng lắm, thế là bao nhiêu năm chịu khổ, vất vả, cuối cùng vợ chồng cô cũng đã có căn nhà riêng của mình.

Cật lực suốt 5 năm gửi mẹ chồng hơn 700 triệu để mua nhà, nàng dâu "điếng người" khi thấy người đứng tên trong sổ đỏ, cách cô giải quyết mới sảng khoái làm sao - Ảnh 1.

Bắt gặp mẹ chồng đang thủ thỉ với chồng chuyện ai đứng tên trong sổ đỏ, Linh liền phản pháo đanh thép khiến bà ân hận. (Ảnh minh họa)


Ấy thế nhưng, một bữa đi làm về sớm, Linh lại nghe bà Lý nói chuyện với chồng cô:”Mẹ mua nhà nhưng chỉ để tên con trong sổ đỏ. Nhỡ đâu sau này chúng mày xảy ra xích mích, cái Linh nó đòi ly hôn thì cũng không đòi được căn nhà. Đồng tiền đi liền khúc ruột đừng để hớ hênh cho người ngoài. Nó có hỏi thì bảo rằng hôm đi đăng kí mẹ không nhớ họ tên nó là được”.

Linh nghe thấy thế mà chết điếng. Cô không ngờ mẹ chồng lại tính toán đáng sợ như vậy. Linh xông thẳng vào nhà, giật lấy sổ đỏ từ tay chồng. Mở ra, cô cười cay đắng vì quả thật không có tên mình trong cuốn sổ đỏ ấy. Bà Lý và chồng cô thì ú ớ không nói được lời nào.

Linh đối diện thẳng mặt với mẹ chồng, cô cười:”Con không ngờ mẹ lại có suy nghĩ như vậy đấy. Mẹ còn tính toán được cả vợ chồng con sẽ ly hôn cơ ạ. Con cái không mong chúng nó hạnh phúc thì thôi, đằng này mẹ lại sợ con đòi ly hôn để chia tài sản.

Trước nay con luôn coi mẹ như mẹ ruột của con, một lòng kính trọng, hiếu thảo mà mẹ lại coi con là người ngoài. Đúng là không phải khúc ruột mình sinh ra thì mãi mãi vẫn khác máu tanh lòng. Bao năm qua con cũng làm việc vất vả, cật lực ngày đêm thì mới có số tiền đó gửi mẹ. Mẹ hỏi xem nhà con góp được bao nhiêu?

Mẹ đã tính toán như vậy rồi thì tiện đây con cũng nói luôn. Con sẽ sống hạnh phúc với anh Khoa cả đời, nhà đó không mang tên con nhưng con sẽ sống thoải mái, vui vẻ cho mẹ xem. À, căn nhà đó không phải của con nên số tiền còn lại con cũng không có trách nhiệm phải trả. Thật thấy thoải mái làm sao”.

 

Linh nói xong cầm túi xách ra khỏi nhà, mặc cho bà Lý cùng chồng cô “á khẩu” ngồi ở ghế. Trút được bực dọc nhưng Linh vẫn chưa hết ấm ức, cô không ngờ mẹ chồng lại có suy nghĩ hèn hạ như vậy.

Ngồi quán cà phê được 1 lúc, Linh nhận được tin nhắn của chồng:”Em về đi, mẹ nghĩ vậy nhưng anh có nghĩ thế đâu. Nghe em nói xong bà cũng đang ân hận rồi…”. Nhưng Linh mặc kệ, bao năm qua cô hiền lành nhẫn nhục, giờ người ta coi cô là người lạ, cô cũng đâu cần nể nang!