Suốt mấy chục năm qua, vợ chồng nhạc sĩ Xuân Hùng – Xuân Hòa được giới nghệ sĩ biết tới bởi họ là nhịp cầu nối âm nhạc trong và ngoài nước. Với những nỗ lực không ngừng, cả hai đã đồng hành, đưa các nghệ sĩ đến với khán giả yêu âm nhạc trong nước và giúp người yêu âm nhạc được sống trong không khí của âm nhạc một thời.
Trước khi mở phòng trà Tiếng Xưa, bà Xuân Hòa hoàn toàn là người ngoại đạo với âm nhạc. Tuy nhiên, chồng chị Xuân Hòa là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng , người được coi là “Vua chuyển ngữ nhạc ngoại” với hơn 100 ca khúc nước ngoài đã được ông chuyển ngữ sang tiếng Việt thành công.
Vợ chồng nhạc sĩ Xuân Hùng- Xuân Hòa.
Các ca khúc do nhạc sĩ Xuân Hùng chuyển ngữ đều sát với nguyên tác nhưng vẫn đậm chất trữ tình, giữ được cái hồn của ca khúc. Những ca khúc được Xuân Hùng chuyển ngữ khá thành công như Búp bê không tình yêu (Poupée de cire, poupée de son), Em đẹp như mơ (Elle Etait Si Jolie), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza), Lãng du (La Ventura), Anh thì không (Toi Jamais), Hôm nay không sữa (No Milk Today)… hiện vẫn được người nghe yêu thích.
Danh ca Thái Thanh (Ngồi) và ca sĩ Ý Lan, vợ chồng nhạc sĩ Xuân Hùng – Xuân Hòa.
Nhịp cầu nối những người con xa xứ
Trước năm 2000, vợ chồng Xuân Hùng – Xuân Hòa trở về Việt Nam. Bà Xuân Hòa tâm sự hai vợ chồng chị từng đi nhiều quốc gia nhưng thấy cuộc sống ở Việt Nam vẫn là phù hợp nhất.
“Chúng tôi là người Việt Nam, được sống trong môi trường nói tiếng Việt, được ăn món ăn Việt hay đi trên những con đường quen thuộc từ ngày xưa… Có lẽ những hoài niệm đã đưa chúng tôi trở về”, bà chia sẻ.
Năm 2007, vợ chồng Xuân Hùng – Xuân Hòa mở phòng trà Tiếng Xưa . Đây là một hướng làm ăn mà chính bà cho là… liều mạng.
“Chúng tôi mong muốn Tiếng Xưa thành nhịp cầu nối cho các nghệ sĩ hải ngoại trở về đứng trên sân khấu quê nhà” – bà cho hay.
Ngày đó phòng trà Tiếng Xưa là một trong những mô hình khá độc đáo tại TPHCM khi chồng dàn dựng nhạc và làm MC, vợ lo mời gọi ca sĩ và quản lý hậu trường. Cả hai đã nỗ lực hết mình để phòng trà sáng đèn hàng đêm.
Rồi Tiếng Xưa đã trở thành cầu nối cho các nghệ sĩ trở về đứng trên sân khấu quê nhà. Đã có gần 100 nghệ sĩ được Tiếng Xưa đưa về nước biểu diễn với rất nhiều danh ca như Cao Thái, Bích Chiêu, Bạch Yến, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Lệ Thu, Lê Uyên Phương, Thanh Lan, Duy Quang, Thanh Tuyền, Nhật Hạ, Phương Dung, Anh Khoa, Phương Hồng Ngọc, Quang Bình, Trang Thanh Lan, Ý Lan, Vũ Khanh, Kim Anh, Nhật Hạ, Tuấn Vũ, Tuấn Anh, Trịnh Nam Sơn…
Thánh đường âm nhạc
Trong những lần gặp gỡ bạn bè, bà Xuân Hòa thường tâm sự trong bối cảnh âm nhạc tại TPHCM, người yêu nhạc chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng là có thể đến các tụ điểm ca nhạc, được xem hàng chục ca sĩ nổi tiếng trên sân khấu thì mô hình âm nhạc phòng trà thực sự gặp nhiều khó khăn.
Cần phải có sự đầu tư sâu, có sự sáng tạo cho chương trình thì mới có thể thu hút được khách xem. Vì thế, hai vợ chồng đã đầu tư, xây dựng hàng loạt mô hình trình diễn mới từ song ca, tốp ca, nhạc cảnh, nhạc kịch qua các tiết mục như Lan và Điệp, Đá trông chồng, Bóng ma trong nhà hát, Oan nghiệt Trầu Cau, Lưu Nguyễn Lạc chốn Thiên Thai, Lý cây đa, Nàng Trung Hoa xinh đẹp … Những chương trình như vậy tại Tiếng Xưa đã được khán giả hưởng ứng nhiệt tình.
Xa hơn, phòng trà Tiếng Xưa còn xây dựng những chương trình mang chủ đề chuyên sâu, các tiết mục được nhạc sĩ lựa chọn dàn dựng, “đo ni đóng giày” cho từng giọng ca. Từ ca sĩ Anh Khoa cùng câu chuyện 30 năm xa đất nước cho tới ca sĩ Randy nghẹn ngào những lời hát thổ lộ tâm tình của một đứa trẻ mồ côi sau nhiều năm đi tìm mẹ…
“Khi bắt tay vào dàn dựng các chương trình, vợ chồng tôi thống nhất với nhau tất cả phải như một thánh đường, ở đó chỉ có âm nhạc, sự ấm cúng, khán giả cùng ca sĩ cùng cháy bỏng trong từng tiết mục, trở thành tri âm tri kỷ”, bà Xuân Hòa từng cho hay.
Cùng vì vậy, hai vợ chồng đi “đào xới” để tìm lại những ngôi sao của một thời như NSUT Hồng Vân, Lam Giang, Susan Boyle Ngọc Thy… Đồng thời nâng đỡ những giọng ca trẻ đam mê với nhạc xưa để làm đa dạng các sắc màu và duy trì sức sống của âm nhạc một thời.
Bà Xuân Hòa chụp hình chung với nhạc sĩ Phạm Duy.
15 năm sáng đèn, dù phải nhiều lần chuyển địa điểm và nhu cầu âm nhạc của khán giả đã có những thay đổi với Rock, Rap cùng những chương trình mang đậm chất game show tràn ngập thị trường nhưng phòng trà Tiếng Xưa vẫn giữ phong cách của…
Tiếng Xưa chỉ tập trung thu hút khách bằng chính chất lượng các chương trình ca nhạc. Dù rằng đã có giai đoạn phòng trà ít khách, hai vợ chồng vẫn kiên định đi theo con đường đã chọn, để Tiếng Xưa được người yêu nhạc nhớ tới, ví như Nốt nhạc vàng góc thành phố, sáng đèn hàng đêm .
Phòng trà Tiếng Xưa chỉ đóng cửa khi đại dịch COVID-19 ập đến. “Chúng tôi sẽ mở lại Tiếng Xưa vì còn nhiều dự tính, còn nhiều kế hoạch chưa thực hiện được”, bà Xuân Hòa khẳng định.
Nhưng dự tính đã không thành. Ngày 1/5, nhạc sĩ Xuân Hùng đã ra đi và 5 tháng sau, ngày 20/9 bà Xuân Hùng cũng ra đi theo chồng, bỏ lại bao giấc mơ còn dang dở.
Cõi hoài niệm
Ca sĩ Quang Thành bày tỏ: “Phòng trà Tiếng Xưa là biểu trưng cho nét đẹp vàng son, cổ điển của những nhạc phẩm hoài niệm về chuyện tình buồn vui xưa. Đây chính là cõi hoài niệm của những người yêu sự lãng mạn, sâu lắng chất chứa trong những bản nhạc trữ tình xưa của một thời vang bóng. Tôi may mắn được đồng hành với anh chị Xuân Hùng – Xuân Hòa nên rất thấu hiểu những công việc mà hai anh chị đã làm để Tiếng Xưa được yêu mến trong lòng người yêu nhạc”.
“Như một chiếc cầu tre thân ái từng đón đưa bước chân nhiều ca sĩ quay trở về quê hương để cất tiếng hát cho những khán giả ái mộ dòng nhạc tình xưa cũ… Những tên tuổi ca sĩ từng một thời vang bóng và đã một thời vắng bóng, nay lần lượt bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay vang dội khán phòng. Những giai điệu quen thuộc của thập niên 1960-1970, với những tên tuổi nhạc sĩ cũ cũng đã được cất lên, được giới thiệu bởi một MC già nua tuổi tác – nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng. Chính những lời dẫn dắt ngọn ngành cùng chất giọng ấm áp của anh Vũ Xuân Hùng mà mọi người thêm phần đồng cảm với người sáng tác và ca sĩ trên sân khấu”, ca sĩ Quỳnh Lê chia sẻ.