Những barie chặn lối vì người đi xe máy đi tắt gây tranh luận. Nhưng tại sao ra nông nỗi này?
Người dân tại một số ngõ thuộc đường Nguyễn Trãi và Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã dựng barie chắn ngang đường vào giờ cao điểm, nhằm hạn chế tình trạng xe cộ gây ồn ào và ùn tắc gây tranh luận nhiều.
Vào buổi sáng, giờ cao điểm đi làm, nhiều người chọn đi tắt qua các con ngõ trên phố Thượng Đình để nhanh chóng ra đường Nguyễn Trãi và tiếp tục hành trình lên cầu vượt Ngã Tư Sở, khiến giao thông trong khu vực này càng thêm căng thẳng.
Nhiều người chia phe tranh luận về chiếc barie chặn lối giờ cao điểm. Ảnh: TuanQuynh
Vụ việc khiến cộng đồng chia làm hai phe. Phe thứ nhất ủng hộ việc này vì ngõ đã nhỏ hẹp, mỗi buổi sáng lại phải gồng gánh lượng xe máy đi tắt, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người có nhà ở đây. “Thử nghĩ buổi sáng tiếng xe, tiếng còi inh ỏi, muốn dắt xe ra khỏi nhà đi làm cũng không được thì sẽ biết vì sao họ làm vậy”, một người viết.
Còn phe thứ hai đặt dấu hỏi, đường ngõ dù hẹp, nhưng vẫn là nơi công cộng, ai cũng có quyền đi lại, tại sao lại rào chắn? Dù barie chỉ chặn giờ cao điểm, nhưng ngộ nhỡ lúc xảy ra sự cố như có người cần cấp cứu, thì sao?
Ở Sài Gòn, nhất là khi dọn về sống ở Bình Thạnh, nhiều người được rỉ tai nhau “hãy học hỏi kỹ năng chặt hẻm đi”. Chặt hẻm có nghĩa là đi đường tắt trong hẻm nhỏ để tránh kẹt xe, để đi nhanh hơn… cũng có khái niệm “mượn hẻm”, nghĩa là nhà có đám, nhất là đám tang thì gia chủ xin phép mượn con hẻm một ngày để tổ chức tang lễ, ai cũng thông cảm.
Nhưng những hẻm ở Sài Gòn là khá rộng, không như mấy ngõ nhỏ chật hẹp trên – rất đặc thù Hà Nội. Theo tôi, không cần làm barier nặng nề như vậy. Có thể làm những gờ giảm tốc, biển cảnh báo để hạn chế xe máy chạy vào ngõ khi tắc đường…?
Barie cho thấy cả lý và tình đều rất nặng, vấn đề ở đây là nhà chức trách ở Hà Nội phải đưa ra cách giải quyết, vì nó đã vượt quá quyền hạn của chính quyền địa phương. Chuyện này đang ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân sở tại, và có thể phát sinh ra nhiều nơi khác ở Hà Nội khi giao thông ngày càng tắc nghẽn.