Bản tin VTV1 tối 8/6 cung cấp đầy đủ thông tin về ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) trong những ngày ẩn tu đầu tiên nhưng vẫn còn những ý kiến ‘cố đấm ăn xôi’.
Phát biểu trước ống kính phóng viên VTV, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) khẳng định: ‘Tinh thần, sức khoẻ của con vẫn tốt, vẫn đảm bảo để học theo lời Phật dạy được. Không có người dân đông như thế hay việc ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông xã hội thì con vẫn học tập ở ngoài, không có gì thay đổi’.
Vẫn theo lời người đàn ông này thì: ‘Giờ nguyện vọng học tập của mình mà họ ra làm ách tắc, mình đi không được thì nên dừng. Con cũng mong muốn khi mình ra đường mọi người đừng tập trung như thế để làm ảnh hưởng nhiệm vụ của mình không học được nữa. Khi họ quay phim kiếm tiền hay có gì đó thì không phù hợp”.
Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) trên bản tin VTV 1 phát lúc 19h28 phút ngày 8/6/2024
Bản tin của VTV cũng cho biết, gia đình ông Lê Anh Tú đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xử lý các trường hợp lợi dụng hình ảnh của ông để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng tới ông Tú và gia đình.
Thiết tưởng câu chuyện hậu ‘Thích Minh Tuệ’ đến đây đã hoàn toàn rõ ràng về sức khoẻ, dung mạo, tinh thần cùng ý nguyện của người trong cuộc. Thông tin kể trên cũng đã đáp trả những nghi vấn ác ý vốn chỉ có trong tưởng tượng của mấy người còn ‘cố đấm ăn xôi’, nào là ‘thầy’ bị đưa đi mất tích, nào là ‘thầy’ bị quản chế.
Khi chưa có thông tin thì đám người tự nhận mình là đệ tử, là những người yêu mến ‘thầy’ Thích Minh Tuệ nhao nhao lên đòi cho được thông tin hình ảnh này nọ của ‘thầy’ sau khi sự việc được giải quyết. Đến khi thông tin chính thức được nhà chức trách công bố một cách công khai thì lại xoay trục câu chuyện bằng cách tung ra suy đoán rằng, nhà thầy không có cái cây to như thế, rằng ống kính chĩa thẳng vào thày là điều ‘tối kỵ’ với giới (!), rằng đây là hình ảnh tạo dựng ở một khu vực tại tỉnh ‘thầy’ đi qua cùng vô số các ‘nghi vấn’ khác. Thậm chí những người này còn đòi phải cho dân trực tiếp phỏng vấn mới ‘tin’.
Tất cả đều không ngoài việc ‘châm ngòi’ kích động dư luận để tiếp tục phá hoại nỗ lực về một sự việc đã được nhà chức trách giải quyết đúng pháp luật, nhân văn, có lý có tình, tiếp tục mưu cầu những ý đồ đã không đạt được lúc hiện tượng ‘Thích Minh Tuệ’ đang diễn ra.
Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện thầy bói xem voi trong dân gian. Ông sờ cái vòi thì thì bảo voi sun sun như con đỉa, ông sờ ngà lại bảo voi giống cái đòn càn. Còn ông sờ chân thì bảo con voi giống cái cột đình và ông sờ đuôi bảo con voi giống chổi xể cùn. Không ai chịu ai, cuối cùng tất cả xông vào ẩu đả lẫn nhau.
Câu chuyện dân gian đầy thâm thuý này gợi lên một điều, ngày xưa khi trình độ khoa học công nghệ còn chưa đi đến đâu, người ta đã biết nhắc nhở nhau phải nhìn sự vật, sự việc một cách toàn diện không nên đánh giá sự vật, sự việc bằng sự nhìn nhận phiến diện chủ quan. Cùng đó cần phải lắng nghe, biết phân biệt cái đúng cái sai để từ đó rút ra được một nhận xét đúng nhất.
Cái đúng giờ đây là đúng với giáo lý nhà Phật, đúng với quy định của pháp luật, đúng với những bản hương ước từng được chính người dân xây dựng và vẫn đang có tác dụng. Lẽ nào bây giờ khi công nghệ phát triển, ai cũng có thể là người ‘sáng tạo’ nội dung số, ai cũng có thể là youtuber, facebooker, tiktoker mà lại tụt hậu về cách ứng xử, tụt hậu về cách thức chấp hành pháp luật để làm méo mó hình ảnh một xã hội văn minh đang được nỗ lực xây dựng.
Thậm chí là hành xử một cách vô ý thức theo kiểu tâm lý đám đông vô hình trung tiếp tay cho các kịch bản chống phá Nhà nước chực đợi thời cơ ngóc đầu dậy.
Cần khẳng định, ý nguyện cá nhân của ông Lê Anh Tú cần được tôn trọng trong cách mà một công dân có thể ứng xử với cộng đồng, với pháp luật. Những ai đó còn cố tình ‘kích hoạt’ những điều này điều nọ liên quan đến hiện tượng Thích Minh Tuệ, thậm chí coi đây như một ‘sự kiện’ nổi bật của cả nước trong năm 2024 cần giữ cái đầu tỉnh táo, cần có ý thức cộng đồng để không tiếp tay cho những ý đồ vi phạm pháp luật, tiếp tay cho những kẻ lợi dụng chiêu bài tự do tôn giáo để châm lửa phá hoại sự bình an của cộng đồng, của xã hội.