Bộ trưởng GD-ĐT cho biết, học phí không tăng nhưng hàng năm ngân sách nhà nước đều cắt giảm 2,5% chi thường xuyên, đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học.

Mới đây, cử tri tỉnh An Giang nêu kiến nghị đến Bộ GD-ĐT “không tăng học phí bậc đại học để giảm bớt khó khăn cho các gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế, qua đó tạo cơ hội để sinh viên yên tâm học tập”.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về mức học phí của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Trong đó quy định lộ trình điều chỉnh học phí hằng năm để đảm bảo tính giá dịch vụ GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 19/2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.W-Nguyễn Kim Sơn 220524.JPG.jpg

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Hoàng Hà

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm kiểm soát lạm phát, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.

Do đó, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định qua 3 năm học (2020-2021 đến 2022-2023). Mức học phí này rất thấp, mới chỉ đảm bảo 40-50% chi phí đào tạo, phần còn lại ngân sách nhà nước vẫn phải hỗ trợ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh học phí không tăng nhưng hằng năm ngân sách nhà nước đều cắt giảm 2,5% chi thường xuyên, đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học.

Nếu học phí tiếp tục giữ ổn định và tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên, nhiều cơ sở giáo dục không đủ kinh phí hoạt động, đặc biệt không thực hiện được lộ trình tính giá dịch vụ theo quy định ở nghị quyết 19.

Chính vì thế, từ năm học 2023-2024 Chính phủ ban hành Nghị định 97/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021 quy định mức học phí các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023-2024.

Các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo ở Nghị định 81/2021 tiếp tục được thực hiện để giảm bớt gánh nặng tài chính cho học sinh, gia đình.

Bộ trưởng khẳng định thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ quan tổng hợp ý kiến trong quá trình thực hiện để đề xuất, sửa đổi Nghị định 81/2021 quy định lộ trình học phí phù hợp, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực xã hội và thực hiện an sinh xã hội.

Theo Nghị định 97/2023 trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng.

Trần học phí với đại học công lập chưa tự chủ từ năm học 2023-2024 đến năm 2026-2027 (đơn vị tính: nghìn đồng/tháng):

Khối ngành
2023-2024
2024-2025
2025-2026
2026-2027

Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên
1.250
1.410
1.590
1.790

Khối ngành II: Nghệ thuật
1.200
1.350
1.520
1.710

Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật
1.250
1.410
1.590
1.790

Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên
1.350
1.520
1.710
1.930

Khối ngành V: Toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y
1.450
1.640
1.850
2.090

Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác
1.850
2.090
2.360
2.660

Khối ngành VI.2: Y dược
2.450
2.760
3.110
3.500

Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường
1.200
1.500
1.690
1.910